KHAI MẠC TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2015

Thứ sáu - 02/10/2015 09:04

Đ/c Phạm Trung Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện đọc diễn văn khai mạc.

Đ/c Phạm Trung Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện đọc diễn văn khai mạc.
Sáng 02/10/2015, tại Thư viện huyện Quảng Ninh, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập huyện, Phòng GD&ĐT, Phòng VH&TT huyện tổ chức Khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2015, với chủ đề: “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.
 Đến dự khai mạc có đồng chí Ngô Hồng Quân – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Phạm Trung Đông – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lê Thị Mỹ Thúy – HUV, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện. Đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp; Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức. Đại diện lãnh đạo các Phòng, ban cấp huyện; Đài truyền thanh huyện; Lãnh đạo, Chuyên viên Phòng GD&ĐT; các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Hội Khuyến học, Giám đốc, Phó giám đốc TTHTCĐ các xã, thị trấn; đại diện  học viên tiêu biểu Trung tâm Giáo dục-dạy nghề, đại diện học sinh trường THCS TT Quán Hàu.

DIỄN VĂN KHAI MẠC “TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI” NĂM 2015
CHỦ ĐỀ: CHUNG TAY XÂY DỰNG THƯ VIỆN, THƯỜNG XUYÊN ĐỌC NHIỀU SÁCH HAY
           
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “ Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.” … Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét : “ Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.
Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập,  nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “ tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau : “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
Trong đó Bác nhấn mạnh: Tự học, tăng cường tự học qua sách vở. Theo Người, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Không chỉ đơn thuần “Cần phải xem báo Đảng”, Người khuyên chúng ta : “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng...Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Và Người còn nói thêm : “ Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi ghép hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành tài liệu mà viết”. Nếu như trong học tập Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến chữ hành thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và phải biết áp dụng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của thực tiễn. Và sự vân dụng tài tình những điều đã học và đã đọc chính một trong những điểm mấu chốt trong vấn đề đọc sách của Bác Hồ.
Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại, đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, để làm giàu thêm vốn sống của bản thân mình. Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; Sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; sách còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi  buồn vui sâu kín của mỗi con người.
Đọc sách còn thể hiện nét văn hoá trong đời sống xã hội, tất cả chúng ta, những cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, học viên và các tầng lớp nhân dân để có thể hiểu biết được một cách sâu sắc những kiến thức, đòi hỏi mỗi người  phải tìm hiểu và phải đọc rất nhiều sách.
Đó chính là mục đích mà các nhà trường, toàn xã hội hướng tới để rèn luyện, tạo cho mọi người thói quen đọc sách, yêu quý sách, coi sách như những người bạn thân thiết. Việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng đó chính là góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, mỗi người dân trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Các thiết chế văn hóa đọc đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng. Và đến nay đã phát triển thành một hệ thống rộng khắp trong toàn quốc.Cả nước hiện nay có 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 650 thư viện cấp huyện, khoảng 2.400 thư viện xã phường, thị trấn, và hệ thống thư viện nhà trường từ phổ thông đến đại học, các thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện của quân đội nhân dân, thư viện của công an nhân dân, thư viện Hội Nông dân, thư viện làng,...
Bên cạnh đó cũng đã xây dựng hàng chục ngàn tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách các Hội, đoàn thể chính trị-xã hội, hàng trăm nghìn phòng đọc sách, tủ sách ở các bản làng, thôn ấp, tổ dân phố, khu dân cư.Đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều tủ sách, thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập sách phong phú rất có giá trị. Nhiều nhà sách, cửa hàng sách, siêu thị sách đã phát triển  nhanh chóng trong những năm gần đây tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp... đã tạo cho điều kiện cho công chúng tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách, các loại văn hóa phẩm mới được xuất bản ở trong nước và trên thế giới. Ngoài ra, sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội cũng tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng tri thức, thông tin khổng lồ cho đông đảo người đọc. Các thiết chế nêu trên đã và đang từng bước phát huy tác dụng tích cực trong việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế xã hội.
Nhưng: Dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm thông tin qua mạng, thì sách vẫn không mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có. Cho đến hôm nay, sách vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.
Ngày nay, mục tiêu của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là xây dựng xã hội học tập; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân là mục tiêu chủ đạo để học tập thực sự trở thành chìa khóa của mọi thành công. Mỗi chúng ta hơn ai hết hãy học tập thường xuyên, học liên tục với phương châm “lấy tự học làm cốt”. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT và đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn để tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, do đó cần phải:
1.Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người;
2. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách;
3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Xã hội loài người phát triển được một phần lớn là nhờ con người có khả năng học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện mình. Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất.
Với mục đích: Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại địa phương, chia sẻ những kinh nghiệm về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Giúp cho các cơ sở giáo dục và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường nâng cao khả năng cung ứng giáo dục với môi trường giáo dục thuận tiện, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội và các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cho người có nhu cầu. Hôm nay, được sự nhất trí của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, UBND huyện tổ chức lễ phát động  “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015” với chủ đề: “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.
Các hoạt động hưởng ứng của chúng ta hôm nay và trong tương lai đó là hãy cùng chung tay xây dựng thư viện huyện, ở các nhà trường, cộng đồng ngày càng phong phú, đa dạng; phát động xây dựng tủ sách gia đình trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các làng, bản v..v.. nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách.
Ngành Giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo hơn nữa công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của thư viện nhà trường, thường xuyên được đổi mới bằng cách: Luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn; giao học sinh tự quản tủ sách và cho mượn sách; xây dựng thư viện điện tử ở những trường có điều kiện; tổ chức ngày hội đọc với những hoạt động thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu, quyên góp sách cho trẻ em nghèo; Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; Tổ chức nhiều sự kiện xây dựng văn hóa đọc cho giáo  viên, học sinh...
Trong phương pháp dạy học, các thầy cô được khuyến khích đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu sách để có kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy đáp ứng theo mục tiêu dạy học.Các nhà trường sẽ trao đổi với phụ huynh học sinh, thống nhất về thời gian học sinh đọc sách tại trường, ở nhà và số lượng đầu sách đọc trong năm; thống nhất với cha mẹ học sinh về việc cùng tham gia đọc sách với con.
Các đoàn thể chính trị, xã hội, các xã, thị trấn, các Trung tâm HTCĐ tích cực trong chỉ đạo xây dựng thư viện cộng đồng, tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc; hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách đọc sách và kể chuyện cho trẻ;  triển khai thí điểm xây dựng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng;
Học tập suốt đời có thể coi như linh hồn cơ bản của một xã hội học tập. Xã hội học tập và học tập suốt đời được coi như giải pháp hữu hiệu nhất của việc tự hoàn thiện cá nhân mỗi người với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Vì không cần phải có một mô hình giáo dục riêng biệt, không cần trường lớp chính quy theo kiểu truyền thống, mà nó tận dụng tất cả các phương thức, hình thức học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy. Con đường học tập cho mọi người hoàn toàn được rộng mở. Con người, dù bất cứ là ai, ở đâu, lúc nào, muốn học gì, muốn học bao nhiêu và học bằng cách nào đều được tạo điều kiện tốt nhất để học trong xã hội học tập. Mọi người đều có thể được tiếp nhận sự giáo dục thích hợp về mọi mặt: chính trị, đạo đức, văn hoá, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp với bằng nhiều cách, trong đó có tự học và đọc sách.
Tại buổi lễ này, tôi đề nghị và mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”; tiếp tục đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào tạo, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh…” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đưa giáo dục huyện nhà ngày càng tiến bước cao hơn.
Với chủ đề: “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.  Xã hội loài người phát triển được một phần lớn là nhờ con người có khả năng học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện mình. Bài học tự học qua sách báo của Hồ Chủ tịch sẽ mãi là tấm gương sáng cho mỗi người chúng ta học tập và noi theo. Và một lần nữa chúng ta  lại có thêm một minh chứng của việc “ đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” ( như lời Cao Bá Quát xưa từng nói). Ánh sáng từ đôi mắt ấy mãi mãi sẽ là ngọn đèn soi rọi trên con đường  dân tộc chúng ta đi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIÁO DỤC QUẢNG NINH: 25 NĂM PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

      Quán triệt sâu sắc quan điểm đường lối về giáo dục và đào tạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, hiếu học của quê hương, qua 25 năm đổi mới và phát triển, dưới sự lãnh đạo sâu sát, trực tiếp của Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện và sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Sở GD&ĐT Quảng Bình, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo các xã, thị trấn,  sự đồng thuận của nhân dân, cùng với  nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn của các thế hệ cán bộ quản lí, giáo...

Tin giáo dục Express
  • Đằng sau những học bổng...

      Chủ nhật - 11/06/2023 00:02


    Với nhiều đại học Mỹ, việc cấp học bổng như một chính sách "giảm giá" và nhìn toàn cảnh, số tiền một tỷ đồng chỉ là một phần của quãng đường du học dài.
  • Không giỏi Toán có nên...

      Chủ nhật - 11/06/2023 00:00


    Em mong được tư vấn về ngành Thương mại điện tử để có sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
  • Thủy điện đầu tiên ở...

      Thứ bảy - 10/06/2023 20:33


    Nhà máy này hòa lưới điện quốc gia năm 2006, là thủy điện đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân xây dựng.
  • Kiểm điểm cô giáo đánh...

      Thứ bảy - 10/06/2023 19:50


    Một cô giáo bị đề nghị kiểm điểm sau khi nhiều phụ huynh khiếu nại việc con em họ rớt môn Âm nhạc.
  • Đề Tiếng Anh thi lớp 10...

      Thứ bảy - 10/06/2023 17:21


    Các giáo viên đánh giá đề thi môn Tiếng Anh có một số điểm mới nhưng không đánh đố, mức điểm nhiều thí sinh có thể đạt được là 7,5.
Tài nguyên
    Đăng nhập
    Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
    Thống kê
    • Đang truy cập8
    • Hôm nay
    • Tháng hiện tại
    • Tổng lượt truy cập
    Thăm dò ý kiến

    Bạn sử dụng ứng dụng gì để làm bài Elearning

    Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây